Nghệ thuật Phật giáo mật thừa đã hình thành từ hàng ngàn năm qua, kế thừa và phát huy những tinh túy từ Phật Giáo mật tông Ấn Động, trải qua quãng thời gian dài phát triển mạnh mẽ và đã có những nền móng nghệ thuật lâu đời, mang đậm bản sắc, giá trị và những nét riêng biệt. Trong số đó những bức tượng Phật ( chủ yếu bằng đồng ) cổ mô tả các vị Phật, các vị bổn tôn, Bồ Tát, hộ pháp, Dakini… mang những dấu ấn đậm nét riêng mà khó có thể thấy qua ở đâu khác.
Nhánh Phật giáo mật tông chia thành hai nửa là Tây Mật chủ yếu ở Tây Tạng, Bhutan, Sikkim, Ladakh… và Đông Mật phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tuy cùng các vị bổn tôn nhưng khắc họa hoàn toàn khác nhau, từ đó tạo nên những yếu tố nghệ thuật riêng biệt và đặc trưng riêng của từng khu vực.
Những bức tượng Phật cổ từ lâu đã là niềm yêu thích mãnh liệt của Norbu Shop từ khi bước vào thế giới của Kim Cương Thừa, ngoài các pháp khí, thangka… thì tôn tượng cổ bằng đồng luôn là điều mà Norbu Shop dành thời gian tìm hiểu và tìm kiếm qua nhiều năm. Tại sao những bức tượng Phật cổ lại có sức hút mãnh liệt như vậy? Cả khi trên thị trường đấu giá quốc tế nó có thể lên tới hàng triệu đô la, hay những bức tượng vô gia được trưng bày tại các bảo tàng lớn phương Tây thì không thể đo đếm được giá trị vật chất nữa.
Bức tượng Phật cổ mà nổi tiếng nhất có thể được biết đến là bức Jowo Đức Phật tại đền Jokhang ở Lhasa, bức tượng vô song này có chiều dài lịch sử xuyên suốt và bức hiện tại cũng không chắc là bức gốc ngày xưa do trải qua các cuộc chiến tranh, tuy nhiên thần thài và sự đặc biệt của tượng vô cùng hiếm có, Norbu lần đầu thấy đã rất lạ lẫm khi cách vẽ đôi mắt và thần thái tượng thật khác biệt, có thể nói là thấy lúc đầu không được đẹp, nhưng càng ngắm càng nhìn càng suy ngẫm, mới nhận thấy vẻ đẹp vô song của bức tượng. Đến nỗi, không có bức tượng được làm lại từ bức Jowo có vẻ đẹp vô song như vậy ( có cả hàng trăm ngàn bức Jowo được làm lại trên khắp thế giới ).
Bức Jowo vô song tại Jokhang
Sau đó là những bức tượng uy nghi to lớn được đặt trong các tu viện lớn của các dòng tại Tây Tạng và Ấn Độ, Norbu đã đến Thiksey một tu viện nổi tiếng qua những bộ phim ở Ladakh, được chiêm bái bức tượng nổi tiếng Đức Phật Di Lặc và cũng không khỏi rùng mình khi được đảnh lễ trực tiếp. Quả thật những bức tượng tại các Tu viện luôn mang những màu sắc tâm linh, nghệ thuật Phật giáo và năng lượng từ bi tràn đầy bí ẩn.
Kể từ sau khi giới sưu tầm quốc tế, đặc biệt là dân Trung Quốc biết đến những nghệ thuật này, hàng triệu bức tượng cổ đã bị thất lạc, lưu truyền từ Nepal sang Tây Tạng khắp bốn phương, những giá trị nghệ thuật bị mất dấu, những bức tượng bị thất lạc qua nhiều phiên đấu giá tại Hongkong, Bắc Kinh, USA… càng làm việc sưu tầm tượng trở nên lan rộng khắp ra và những nhà sưu tầm giàu có ngày càng để ý đến lĩnh vực này.
Một buổi đấu giá tượng cổ
Bức tượng cổ Đức Milarepa được đấu giá bằng bạc nguyên khối mạ vàng
Vẻ đẹp của tượng cổ có thể được liệt kê qua những yếu tố quan trọng nhất:
- Nghệ nhân làm ra: thường thì giờ không thể xác định được nữa, tuy nhiên những bậc thầy luôn biết cách tạo ra dấu ấn riêng trên bức tượng của mình và những bậc thầy đó phải có khả năng quán tưởng thiền định mạnh mẽ mới có thể tạc được những diện tượng vô song
- Chất lượng đồng của bức tượng rất quan trọng, chất đồng cổ giờ đã thất truyền, tương truyền những bức tượng cổ do những nghệ nhân bậc thầy làm được đúc nên từ hợp kim đồng của 7 loại chất liệu quý giá dẫn tới việc nó không bị xanh đồng, không bị sỉn, càng để càng đẹp càng lên màu và bền bỉ qua hàng ngàn năm…
- Tổng thể và chi tiết hình thái cũng vô cùng quan trọng, những bức tượng khó tạc nhất thường là tượng diện tĩnh nộ hoặc những bức tượng bổn tôn phẫn nộ nhiều đầu nhiều tay chân chi tiết, hoặc những bức tượng phối ngẫu, rất khó để làm đầy đủ chi tiết và hài hòa hình thái
- Diện mặt đối với Norbu là quan trọng nhất, quyết định giá trị bức tượng, phần lớn tượng cổ do lâu năm đều có thần khi nhìn, những bức tượng quý giá còn trông như thật, có thể kể đến 5 bức tượng “trông giống ta” từ thời đức Guru Rinpoche còn tại thế ngài đã ấn chứng, và nhiều bức “trông giống ta” của nhiều bậc tổ khác
- Giá trị độc bản luôn là điều tiên quyết, cùng một vị bổn tôn nhưng tượng cổ không bao giờ giống nhau 100%, kể cả do một nghệ nhân cùng làm
- Giá trị do việc làm thủ công hoàn toàn cũng rất quan trọng, công nghệ chế tác xưa 100% là thủ công, nhưng bây giờ dù công nghệ hiện đại cũng không thể chế tác được những bức tượng cổ đỉnh cao thời ngày xưa, các nghệ nhân thời xưa đã làm những gì? trong bao lâu? làm thế nào? chúng ta đều không biết, chỉ có thể thấy rằng những bức tượng thủ công có thể mất đến 3 tháng tới chục năm để chế tác là điều bình thường.
Trên là những chia sẻ của Norbu qua những năm tháng sưu tầm và nghiên cứu về tượng Phật cổ Tây Tạng. Cùng đón đọc những phần tiếp theo ở những bài sau, chúng tôi sẽ biên tập để mọi người đều cảm nhận được giá trị thiêng liêng khi tìm hiểu về tượng Phật. Những giá trị dành riêng cho những người yêu xưa cũ…