Chuyên mục, Tin Tức

Du lịch Tây Tạng: Những điều cần lưu ý để tận hưởng chuyến đi trọn vẹn nhất

Du lịch Tây Tạng: Những điều cần lưu ý để tận hưởng chuyến đi trọn vẹn nhất

Nếu bạn có sở thích du lịch, hay đã từng đọc “Mật mã Tây Tạng” và bị cuốn hút bởi phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, những tình tiết hấp dẫn của câu chuyện. Chắc chắn bạn sẽ nung nấu ý định được đặt chân tới Tây Tạng một ngày không xa. 

Đến thăm Tây Tạng – vùng cao nguyên cao nhất thế giới ở độ cao trung bình 4.500m so với mực nước biển. Bạn sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ của thiên nhiên. Với núi cao hiểm trở cùng bầu trời cao xanh trong vắt với mây trắng lượn lờ. Những vùng thung lũng rộng mênh mông với dòng sông băng khổng lồ hay sa mạc rộng lớn và bầu trời cao rộng đầy sao …

Với vị trí địa lý và địa hình đặc biệt, khi chọn Tây Tạng làm đích đến của hành trình du lịch. Bạn không thể bỏ qua các lưu ý dưới đây để có chuyến đi an toàn nhất.

Du lịch Tây Tạng: Những điều cần lưu ý để tận hưởng chuyến đi trọn vẹn nhất 7

Di chuyển Hà Nội – Tây Tạng

Từ Hà Nội, mình cùng nhóm bạn đáp máy bay tới Thành Đô. Sau đó từ Thành Đô bạn có thể tiếp tục sử dụng máy bay hoặc đi tàu hỏa tới thành phố Lhasa – thủ phủ của Tây Tạng. Nếu đi máy bay, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian. Tuy nhiên, mình chọn đi tàu hỏa để có thời gian làm quen dần với sự thay đổi của khí hậu và độ cao.

Chuyến tàu từ Thành Đô tới thủ phủ Lhasa kéo dài 36 tiếng. Mình có dịp trải nghiệm cung đường kỳ lạ và độc đáo nhất. Bởi tàu đi xuyên qua nhiều đường hầm mở qua núi, các vùng tuyết vĩnh cửu trắng xóa … Thêm vào đó, do các vùng núi đều cao hơn mực nước biển tới 4.000m nên không khí rất loãng và áp suất thấp. Ngoài ra trên mỗi đầu giường đều gắn một bình oxy để bạn có thể sử dụng trong trường hợp cảm thấy tức ngực, khó thở … khi chưa quen với tốc độ cao.  

Lưu ý khi di chuyển:

Tây Tạng là một trong những vùng cao nguyên có độ cao nhất nhì thế giới. Do đó, không khí ở đây loãng hơn rất nhiều so với Hà Nội. Nếu bạn không thường xuyên luyện tập thể thao hay sức khỏe yếu sẽ có cảm giác tức ngực, khó thở. Vì vậy, trước khi đi du lịch tới Tây Tạng, bạn nên tham vấn bác sĩ để có những loại thuốc hỗ trợ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể mua các bình oxy được bán tại sân bay Thành Đô để phục vụ cho chuyến đi của mình. 

Là một vùng đất tự trị của Trung Quốc và được mệnh danh là cái nôi của văn hóa Phật giáo châu Á. Tây Tạng có tới hơn 90% dân số là Phật tử. Do đó, có nhiều phong tục độc đáo bạn nên tìm hiểu trước để “nhập gia tùy tục”.

Du lịch Tây Tạng: Những điều cần lưu ý để tận hưởng chuyến đi trọn vẹn nhất 2

Cấm kỵ trong sinh hoạt hàng ngày tại Tây Tạng

Khi đi lại trên đường phố Lhasa, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những người hành hương thực hiện nghi thức “tam bộ ngũ thể”. Tức là đi ba bước lại quỳ lạy một lần. Đây là cách các tín đồ Phật giáo bày tỏ lòng thành kính và thực hiện hạnh nguyện cầu bình an, sức khỏe cho thế giới. Vì thế khi thấy các hình ảnh này trên đường phố, bạn không nên tỏ thái độ thiếu tôn trọng hay chỉ trỏ bình luận.

Tại Tây Tạng, các vị Lạt Ma được tôn thờ và kính trọng như đức Phật sống. Người dân Tây Tạng quan niệm rằng hành động sờ vào đầu người khác là cách các Lạt Ma ban phúc và thánh ơn cho bạn. Do đó, bạn không nên tự ý sờ vào đầu bất kỳ người nào cho dù là một em bé. 

Ngoài ra, khi bạn mời một người bản xứ ăn hoặc uống, nếu họ ngửa bàn tay lên thì đó là cách họ thông báo mình đã no và không muốn ăn uống thêm gì. Đặc biệt, đa phần người dân Tây Tạng đều rất hiếu khách. Khi đưa khách đi thăm quan, họ thường nắm tay khách để bày tỏ tấm lòng quý khách. Nên bạn không cần quá ngạc nhiên khi thấy trên đường phố hai người đàn ông đang nắm tay nhau trò chuyện thân mật. 

Bên cạnh các phong tục độc đáo, ẩm thực Tây Tạng cũng là một thách thức không nhỏ, mặc dù mình là đứa không hề kén ăn.

Du lịch Tây Tạng: Những điều cần lưu ý để tận hưởng chuyến đi trọn vẹn nhất 3

Khác biệt ngôn ngữ và văn hóa ẩm thực

Nếu du lịch ở các nước khác, bạn chỉ cần thông thạo tiếng Anh là có thể yên tâm vi vu mọi nẻo đường. Nhưng ở Tây Tạng lại hoàn toàn khác. Người dân ở đây chỉ sử dụng tiếng Tạng và tiếng Trung Quốc phổ thông. Bạn sẽ phải phát huy tối đa body language – ngôn ngữ cơ thể khi cần giao tiếp tại đây. 

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sẽ gặp phải một cú sốc về ẩm thực sau khi bất ngờ về độ cao. Vì thức ăn Tây Tạng chủ yếu theo phong cách ẩm thực Ấn Độ và Trung Hoa với nhiều gia vị nồng mùi như cari, dầu, ớt … Do đó, bạn nên chuẩn bị sẵn một số đồ ăn như ruốc, thịt chưng mắm tép, mì tôm, cơm cháy, lương khô … để sử dụng trong những ngày đầu khi chưa quen với đồ ăn bản địa. 

Du lịch Tây Tạng: Những điều cần lưu ý để tận hưởng chuyến đi trọn vẹn nhất 1

Trang phục bốn mùa và mỹ phẩm giữ ẩm cho chuyến đi trọn vẹn

Nếu tới Tây Tạng thì nên mang theo 2 vali quần áo để ứng phó với thời tiết bốn mùa nơi đây. Thời tiết Tây Tạng trong khoảng thời gian này thay đổi liên tục. Sáng sớm, bạn có thể khoác một chiếc áo mỏng bên ngoài sơ mi hay áo phông. Buổi trưa, bạn có thể mặc áo cộc tay. Khi trời tối, bạn cần thêm một chiếc áo khoác dày. Để hành lý không quá cồng kềnh, bạn có thể sử dụng quần áo giữ nhiệt, tuy mỏng nhưng đủ ấm. Nếu dự định đi trekking qua các vùng địa hình khác nhau, bạn nên mang thêm áo phao chống nước, găng tay và mũ len giữ ấm. 

Bên cạnh việc chuẩn bị quần áo, bạn đừng quên mang theo các sản phẩm dưỡng da, giữ ẩm. Do ở độ cao hơn 4.000m so với mực nước biển, nên cường độ tia cực tím ở Tây Tạng khá mạnh. Thêm vào đó, không khí hanh khô khiến da bị mất nước nhanh chóng. Bạn nên mang theo keo dưỡng ẩm môi, mặt và toàn thân. 

Tuy nhiên, những bất tiện nho nhỏ này sẽ không ảnh hưởng tới tâm trạng hưng phấn cực độ khi bạn được trải nghiệm một vùng đất mới với những kỳ quan lịch sử và phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Du lịch Tây Tạng: Những điều cần lưu ý để tận hưởng chuyến đi trọn vẹn nhất 5

Các điểm thăm quan không thể bỏ qua khi tới Tây Tạng

Tây Tạng được mệnh danh là vùng đất giao thoa tuyệt vời của đất trời và con người. Chính vì vậy, không chỉ có những thắng cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, lịch sử phát triển của Tây Tạng cũng gắn liền với Phật giáo và nhiều công trình hùng vĩ như những chứng tích tôn giáo. Dưới đây là các địa danh bạn nên ghé thăm khi du lịch Tây Tạng.  

Lhasa – Nơi ở của thần linh, kinh thành của ánh sáng

Lhasa – thủ đô chính trị và tôn giáo linh thiêng của vùng Tây Tạng còn được mệnh danh là thành phố của ánh sáng. Bởi cường độ và thời gian chiếu sáng của mặt trời tại thành phố này nhiều hơn bất cứ nơi nào trên hành tinh của chúng ta. Tuy nhiên, Lhasa nằm ở độ cao trên 3.500m so với mực nước biển nên kể cả vào mùa Hè, không khí ở đây cũng se lạnh (nhiệt độ trung bình ở Lhasa là 80C). Trong khi đó, tuyết rơi dày đặc và phủ kín mặt đất vào mùa Đông. 

Tới thăm Lhasa, bạn chắc chắn sẽ tắm mình trong hơi thở Phật giáo bởi đây là tôn giáo chính yếu tại vùng đất này. Bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy những nhà sư thành kính niệm Phật trên đường. Ngoài ra bạn cũng có thể đến thăm những đền đài, thánh điện cổ kính được lưu giữ gần như nguyên vẹn qua hàng ngàn năm. Cuộc đời của đức Đai La Lạt Ma – lãnh tụ tôn giáo và tinh thần của người dân Tây Tạng, người đại diện cho trí tuệ, lòng từ bi và đấu tranh không ngừng cho hòa bình thế giới cũng sẽ mang tới cho bạn cảm nhận sâu sắc về sự kỳ diệu của cuộc sống.

Du lịch Tây Tạng: Những điều cần lưu ý để tận hưởng chuyến đi trọn vẹn nhất 4

Cung điện Potala – nơi ở và thờ phụng các Đai La Lạt Ma

Cung điện Potala được mệnh danh là trái tim của đất nước Tây Tạng. Đây là nơi các Đai La Lạt Ma sinh sống. Đồng thời cũng là nơi thờ phụng các lãnh tụ tôn giáo này sau khi họ qua đời. 

Cung điện cổ xưa này đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa. Potala cũng đồng thời là tòa cung điện cao nhất trên toàn thế giới với chiều cao 117m. Tại Tây Tạng, không có bất kỳ công trình nào được phép xây cao hơn cung điện Potala. Đây được xem như là sự kính trọng của người dân với thánh địa này.

Cung điện Potala được xây dựng trên sườn đồi Marfori hiện đang còn lưu giữ thi thể của 8 vị Đạt La Lạt Ma trong 8 tòa bảo tháp. Đặc biệt, để bảo tồn cung điện và mang tới trải nghiệm tốt nhất cho khách du lịch, mỗi ngày Potala chỉ đón tiếp 2.300 vị khách thăm quan.

Cung điện Potala có tổng diện tích khoảng 360.000m2. Tường cung điện có màu đỏ sẫm và trắng, phần mái được mạ vàng do đó, khi ánh sáng mặt trời phản chiếu sẽ làm tòa lâu đài trở nên rực rỡ chói sáng. Cung điện cổ được xây dựng vào năm 637 như một món quà của vua Tây Tạng – Songtsen Gampo cho vị hôn thê là công chúa Wencheng.

Potala hiện nay được đức Đai La Lạt Ma thứ 15, Lobsang Gyaico xây dựng lại trên nền cung điện cổ đã bị phá hủy vào thế kỷ thứ 7. Năm 1693, sau khi hoàn thành, cung điện Potala gồm 2 tòa nhà chính: Bạch cung và Hồng cung. Tòa Bạch cung bên ngoài được xem như biểu tượng của hòa bình và là nơi tổ chức các hoạt động tôn giáo. Đồng thời là nơi ở của các Đai La Lạt Ma. Trong khi đó, tòa Hồng cung được coi là biểu tượng của trí tuệ và quyền lực với các hình trang trí đều là các sự kiện liên quan tới lịch sử tôn giáo. Hồng cung là không gian thực hiện các nghiên cứu liên quan tới Phật giáo.  

Khi đến thăm cung điện Potala, để có những bức hình để đời, bạn nên chọn góc chụp từ đồi Chakpori. Thêm vào đó, thời gian thăm viếng cung điện tối đa chỉ là 1h cho mỗi khách thăm quan. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên mang theo áo khoác dày khi vào thăm quan thánh địa này. Đồng thời, bạn không thể mang theo nước hay bất kỳ chất lỏng nào vào bên trong cung điện. 

Ngoài Potala ra các bạn hãy nên tham khảo các địa danh nổi tiếng khác ở Lhasa như: đền Jokhang, Hồ Namsto, Barkhor Street, tu viện at Sera Monastery…

Du lịch Tây Tạng: Những điều cần lưu ý để tận hưởng chuyến đi trọn vẹn nhất 6

Trên đây hi vòng là những thông tin hữu ích mà Norbu Shop chia sẻ nhằm giúp bạn có một chuyến đi Tibet thuận lợi nhất! Với kinh nghiệm riêng của chúng tôi từng đến Tibet, đó là bạn nên chuẩn bị các loại thuốc chống sốc độ cao, lợi tiểu, ngạt mũi, ho và cảm. Khi lên ở độ cao trên 3000m cơ thể không kịp thích ứng sẽ làm bạn cảm thấy cực kỳ khó chịu và mất sức. Vậy nên hãy chuẩn bị thật tốt cho cuộc hành trình của mình!

You Might Also Like

No Comments

Leave a Reply

error: Trang web đã được bảo vệ!